Từ cổ chí kim, cả
Đông lẫn Tây đều chứng kiến rất nhiều câu chuyện lịch sử, về những người đàn
ông vì sắc đẹp mà huynh đệ tương tàn, vì sắc đẹp mà mất cả giang sơn: Đồng Trác
và Lữ Bố chém nhau vì Điêu Thuyền; Ngô Phù Sai mất nước vì Tây Thi; Đường Minh Họa
suýt mất ngôi báu vì Dương Qúy Phi…Trong đó không thể không nhắc đến Bao Tự, vì
một nụ cười của nàng Chu U Vương đã làm mất cả giang sơn vào tay quân Khuyển
Nhung. Mời mọi người cùng theo dõi câu chuyện lịch sử thú vị này nhé.
Sau
khi Chu Võ vương Cơ Phát khởi binh tiêu diệt Trụ vương đã kiến lập nên chế độ mới,
trở thành một triều đại an thịnh và phồn vinh. Nhưng trải qua mấy đời, thì thế
nước dần dần suy đồi, hầu như không có một nhân tài nào kiệt xuất đứng ra phò
tá cho các vua nhà Chu. Bá quan văn võ chỉ toàn bọn vô tài bất tướng, thi nhau
theo gương nhà vua ăn chơi, hưởng lạc. Tiếp đến thời Tuyên vương lại càng hủ bại
bởi vì không những đam mê hưởng lạc mà còn chẳng màng đến chính sự, mặc cho bọn
quần thần dưới quyền lộng hành hà hiếp dân đen.
Các
chư hầu dù vẫn nhớ đến ân nghĩa phong hầu cấp đất của nhà Chu, theo lệ cũ hàng
năm vẫn tiến cống nhưng đa số đều ngấm ngầm phẫn uất bởi vì, nhà Chu mỗi năm lại
đòi hỏi tăng thêm, để có đủ chi dụng cho việc xa hoa hưởng lạc. Dù là hôn quân
mê mụi nhưng Tuyên vương cũng biết lòng người không phục nên trong lòng rất lo
lắng, ăn chơi trong lo sợ. Vừa hưởng lạc xa xỉ, vừa tăng cường binh lực để trấn
áp mọi sự chống đối. Với hy vọng quyền lực của mình sẽ không một chư hầu nào
dám có ý nghĩ xâm phạm đến nhà Chu. Nhưng, nước Khuyển Nhung cho rằng đây là cơ
hội tốt nhất để thống nhất Trung nguyên nên ồ ạt kéo binh xâm phạm biên giới.
Quân tướng nhà Chu tuy đông chẳng kém nhưng lại bất tài, chỉ giỏi ăn chơi nên
thua liên tiếp mấy trận liền.
Nghe
tin dữ, Tuyên vương vội triều bá quan văn võ đến thương thảo kế sách. Đa số đại
thần từ trước đến nay nhờ vào nịnh bợ mà tiến thân, không hề có thực tài nên đồng
thanh tâu: Sở dĩ Khuyển Nhung thắng trận là vì dồn hết lực lượng tấn công,
trong khi đó chúng ta phải bảo vệ suốt một miền biên giới quá dài. Chỉ cần ban
lệnh trưng dụng thêm quan binh là thừa đủ tiêu diệt Khuyển Nhung như trở bàn
tay.
Sau
khi nghe chiến lược của các quân sư quạt mo thì Tuyên vương rất hài lòng, lập tức
xuống chiếu tuần tu đất Thái Nguyên, để kiểm điểm trai tráng trước khi quyết định
số lượng quân binh sẽ được tăng cường. Khi việc xong, trên đường trở về gần đến
Cảo Kinh thì chợt nghe đám trẻ con vỗ tay cùng nhau hát đồng dao:
Thỏ
mọc thì ác phải tà.
Giang
hồ ky phúc ấy là mất Chu.
Trong
lòng thì đang sẵn mối lo, mà lại nghe thêm câu đồng dao ấy thì vua hết sức giận
dữ, lập tức truyền lệnh truy bắt những đứa trẻ đó để tra hỏi. Nếu không khai ra
ai là người đã dạy bọn chúng hát, thì sẽ bị chém đầu. Bọn trẻ sợ hãi nói rằng 3
ngày trước có một đứa trẻ áo đỏ, không biết từ đâu đến dạy bọn chúng hát. Sau
khi dạy xong thì đi đâu mất. Bọn trẻ hát vậy thôi chứ không hiểu nghĩa của bài
đồng dao đó. Tuyên vương biết là bọn trẻ nói thật nên đã truyền tha cho chúng. Về
triều, nhà vua vẫn ám ảnh câu hát đó nên hạ lệnh: nếu còn nghe ai hát lập tức sẽ
khép vào tội phản nghịch, chém đầu cả nhà.
Thật
ra, nhà vua không hiểu rõ lắm ý nghĩa sâu xa của câu đồng dao đó, nên triệu hai
đại thần trụ cột, có học vấn rộng rãi là Đại Tông bá Chiêu Hổ và Thái sử Bá
Dương Phụ vào cung hỏi cho rõ. Được biết, Giang là tên cây dâu mọc trên núi, giang
hồ tức là lấy cây gỗ dâu ấy làm thành cánh cung. Ky là một loại cỏ có tính dai
bền, còn phúc là cái bao đựng tên. Như vậy Ky phúc là lấy cỏ ky làm bao đựng
tên, tức báo trước nước sắp có họa đao binh. Lại thêm câu đồng dao do đứa trẻ
áo đỏ bày ra. Mà sắc đỏ thuộc Hỏa tinh. Tuyên vương hết sức kinh sợ vì mỗi khi
Hỏa tinh xuất hiện thì chắc chắn không thể tránh khỏi nạn binh đao. Nhưng họa lớn
không phải bắt nguồn từ cung tên bởi vì câu “Thỏ mọc thì ác phải tà”, có ý
nghĩa âm thịnh dương suy, tất hồng nhan họa thủy. Hai đại thần khuyên nhà vua
nên tu nhân tích đức, làm điều lành, giúp dân no ấm thì họa sẽ tự tiêu tan.
Điềm
báo không chỉ có vậy, Khương hậu vội đến tâu với vua rằng trong cung bất ngờ có
xảy ra chuyện quái dị. Một bà lão cung nhân của tiên đế ngày trước, nay đã gần
50 tuổi, mang thai hơn 38 năm mà không thấy dấu hiệu gì sắp sinh nở. Chẳng biết
vì sao hôm qua chuyển dạ sinh được 1 đứa con gái. Vì là vật quái lạ nên hậu đã
sai người mang ra Thanh Thủy vứt đi.
Vua
truyền gọi cung nữ già ấy vào hỏi han thêm. Cung nữ già tâu rằng vào đời nhà Hạ
vua Kiệt, một ngày kia có một con rồng bay xuống sân cung cấm, miệng nhả nước
dãi. Thái sử bói được một quẻ rất tốt, cho rằng rồng giáng hạ là điềm lành nên
thu giữ lấy nước dãi của nó để làm vật quốc bảo. Vua Hạ Kiệt nghe theo, truyền
lấy một cái hộp bằng vàng đựng lấy cất vào kho. Sau khi lấy xong thì trời sấm
chớp mưa to, con rồng theo gió bay đi mất.
Đến
đời của Lệ vương, bất ngờ chiếc hộp phát ra ánh hào quang nên tiên vương sai
người mang đến nhưng bất cẩn làm rơi xuống đất. Nước dãi rồng chảy xuống sân biến
thành con giải nhỏ chạy vào hậu cung. Vô tình bị cung nữ già đụng trúng, nó lập
tức biến mất, khi ấy bà mới 12 tuổi. Sau đó, người cung nữ hoài thai, trải qua
38 năm vẫn không thấy chuyển dạ.
Cho
dù hoàng hậu đã cho người vứt đứa bé đi nhưng nhà vua vẫn không an tâm, cho quân
lính đi dọc bờ sông kiểm tra xem đứa bé gái đã chết chưa. Nhưng vì không tìm thấy
xác, nên nhà vua vẫn lo lắng triệu Thái sử Bá Dương Phụ vào. Ông bói được một
quẻ cho biết: yêu khí tuy đã rời khỏi cung nhưng chưa bị tiêu diệt, vẫn phải cẩn
trọng trong việc cung tên. Tuyên vương lặp tức xuống lệnh: trong phạm vi nội
ngoại kinh đô, bất cứ ai tìm được 1 bé gái sơ sinh, dù sống hay chết đều được
trọng thưởng. Ai nuôi trẻ sơ sinh gái không có nguồn gốc sẽ bị chém đầu toàn
gia. Đồng thời ra lệnh cấm tuyệt đối chế tạo hay buôn bán cung làm bằng gỗ dâu
núi hoặc bao đựng làm bằng cỏ ky, trái lệnh chém đầu không cần xét sử. Tiếc rằng
lệnh quá gấp nên đa số dân chúng ngoại thành không hề biết đến lệnh cấm này. Vì
vậy có đôi vợ chồng ở gần chân núi vẫn làm trái lệnh cấm và còn đem vào thành
bán. Đến cửa thành thì bị quan quân phát hiện, bắt trói nhưng người chồng đã thoát
được. Họ nghĩ vừa có cung tên vừa có phụ nữ thì chẳng còn gì lo lắng. Tuyên
vương cả mừng, lặp tức truyền lệnh đốt bỏ số cung và bao tên, đồng thời chém đầu
người đàn bà. Còn về phần người đàn ông kia, sau khi nghe tin vợ chết oan ức vì
đứa trẻ sơ sinh nào đó, ông nhất thời không cầm được cảm xúc định đi đến dòng
sông Thanh Thủy để tự vẫn. Chẳng ngờ bắt gặp được đứa bé, nghĩ rằng nó có thể
là người mà hôn quân tìm giết nên đã nuôi, vừa làm phúc vừa trả mối hận cho người
vợ. Nhưng vì lệnh cấm của triều đình nên ông mang đứa bé qua nước Bao và đặt
tên là Bao Tự.
Mấy
năm sau, Tuyên vương đến Thái miếu để tế lễ. Vào đêm khuya, ông nằm mơ thấy một
nữ nhân từ hướng Tây chạy vào miếu, tiến đến linh vị tiên vương nhà Chu cười ba
tiếng, khóc ba tiếng rồi gom toàn bộ thần chủ trong Thái miếu mang đi. Tuyên
vương vô cùng kinh sợ, giật mình tỉnh dậy và triệu Thái Sử Bá Dương Phụ vào.
Ông ta tâu rằng mộng thấy nữ nhân thật hợp với điềm báo nữ họa trước kia, còn
người đàn bà bị chém đầu năm xưa không liên quan gì cả. Có thể nhà vua quá mừng
nên đã quên mất việc chưa tìm thấy tung tích đứa bé kia.
Tuyên
vương nghe vậy thì triệu vị quan năm xưa được lệnh tìm đứa bé là Đỗ Bá vào hỏi.
Đỗ Bá tâu khi đó không thấy vật gì khác lạ, lại nghe đã bắt được yêu nhân nên
rút quân về, sợ kéo dài sẽ làm dân chúng náo động. Tuyên vương nổi giận, liền hạ
lệnh chém đầu Đỗ Bá. Lúc đó Tả Nho đã cầu xin nhưng không thành nên đã trăn trối
với vợ rồi tự vẫn theo.
Trong
1 ngày cùng mất đi hai vị đại thần nên Tuyên Vương có chút hối hận. Từ đó vua
hay nằm mơ thấy 2 người về đòi mạng. Đến 1 đêm, ông không chịu nổi nữa liền rút
bảo kiếm trấn quốc ra và mắng lớn: “Ta là Thiên tử, dù có giết trăm ngàn người
vẫn là theo mệnh trời…”
Hai
oan hồ phẫn nộ trước hôn quân giết người vô tội, lấy cung ra bắn trúng bụng Tuyên
vương. Nhà vua đau đớn gào lên rồi giật mình tỉnh dậy. Từ đó Tuyên vương nằm liệt
giường, đến năm 784 trước Công nguyên thì băng hà.
Sau
đó thái tử Cung Niết nối ngôi, hiệu là Chu U vương. Quả thật cha nào con nấy, U
vương ăn chơi tàn bạo còn hơn cả cha mình. Nhà vua không màng đến chính sự nên
quốc gia ngày càng suy tàn, ngân khố nhà Chu cũng cạn kiệt. Nhưng hôn quân quan
lại cho rằng do các chư hầu tiến cống quá ít khiến quốc khố không đủ chi dụng, nên
xuống chiếu tăng cống nạp gấp 3. Nhân dịp trong cung đang thiếu rượu ngon, đòi
hỏi nước Bao phải tiến nộp ngay lúa mạch đen thượng hạng. Vua nước Bao là Bao
Hướng được triệu vào kinh, nhưng đến lúa kê lúa nước nhân dân còn không đủ ăn
thì làm sao có đủ lúa mạch đen để tiến nạp. U vương không nghe lọt tai lặp tức
giam Bao Hướng vào đại lao, khi nào có đủ lúa mạch đen thì mới thả người. Nhưng
triều đình nước Bao vài tháng trước đã xuất hết châu ngọc và thóc lúa dự trữ để
cứu tế nhân dân mất mùa, lấy đâu ra để tiến cống. Cuối cùng đành phải “lấy độc
trị độc” bằng cách tiến cống mỹ nữ cho hôn quân háo sắc. Trong số 10 mỹ nhân được
tuyển chọn có một nhan sắc nổi trội, đó chính là Bao Tự- đứa bé trước đây bị
Khương hậu thả trôi sông. Bao Tự tuy chỉ là dân dã nhưng sắc nước khuynh thành
khiến ai nhìn thấy cũng ngẩn ngơ không chớp mắt. Nàng được đặc biệt dặn dò những
thủ thuật làm cho U vương say mê không còn nghĩ gì đến triều chính. Vốn bản chất
thông minh nên Bao Tự tiếp thu rất nhanh.
Sắc
đẹp của Bao Tự quả là có sức mạnh kinh người, hôn quân háo sắc vừa thấy mặt đã
bị hớp hồn, chẳng để ý đến các mỹ nữ đi cùng. Sau đó, Bao Hướng được thả về nước.
Sau
khi vào cung, Bao Tự đã làm những gì để chiếm lấy sự sủng ái của U vương, khiến
người phế bỏ Thân hậu rồi bước lên ngôi vị Hoàng hậu đứng đầu lục cung. Mời mọi
người cùng đón xem.
Việc
đưa mỹ nhân vào cung mà không qua nghi lẽ sẽ khiến Thân hậu bực tức và quần thần
dị nghị. Vì vậy Bao Tự được đưa đến Quỳnh đài ở trong cung cấm, nhưng là nơi
tiêu khiển của quân vương không thuộc về lục cung. Ngay đêm hôm đó, quân sĩ được
lệnh cấp tốc trang hoàng lại Quỳnh đài cho thật rực rỡ và Bao Tự được sửa soạn
để đón tiếp U vương. Đối với U vương, trong cung có đến hàng ngàn mỹ nhân thì
việc ân ái có gì là lạ? Thế nhưng đêm hôm ấy vị thiên tử nhà Chu hoàn toàn bị
Bao Tự làm cho thần trí mê mệt, mây mưa suốt sáng mà vẫn chưa đủ. Ngày hôm sau
truyền lệnh bãi triều khiến bá quan kinh ngạc, không hiểu vì sao.
Thông
thường U vương mỗi lần ban ân mưa móc cho các phi tần thì chỉ một đêm là chán
ngán, hôm sau truyền chỉ tìm người khác thay thế. Riêng Bao Tự, càng gần gũi
bao nhiêu thì U vương càng háo hức bấy nhiêu. Đến nỗi, việc thiết triều từ đó
lúc có lúc không, suốt ba tháng trời chưa một lần đến Bắc cung của Thân hậu.
Vốn
là người đoan trang, hiểu rõ lễ phép của bậc mẫu nghi thiên hạ, Thân hậu đã
nghe các quan bàn tán xôn xao về việc U vương say mê Bao Tự. Trong lòng hậu tự
nghĩ: “Đàn ông nào mà chẳng thế. Vừa được nếm mùi mỹ nhân sắc nước hương trời
thì việc triều chính tất nhiên phải trì trệ đôi chút. Dù họ Bao kia có là tiên
giáng thế cũng chỉ mê hoặc được hoàng thượng vài ba ngày là cùng.”
Chẳng
ngờ sự tiên đoán của Thân hậu hoàn toàn sai lạc, gần 3 tháng trời U vương chỉ
thiết triều hơn 10 ngày, nghe các quan tâu báo mà như người mất hồn, mau mau hạ
lệnh bãi triều rồi lui về Quỳnh đài ngay. Theo lệ thường thì mỗi tháng nhà vua phải
đến Bắc cung của hoàng hậu ít nhất một lần, thế mà hơn 3 tháng nay hầu như
không hề đặt chân đến. Thân hậu nổi giận dẫn theo mười cung nữ thẳng đến Quỳnh
đài. Bọn nội thị canh giữ bên ngoài hết sức bất ngờ, không dám ngăn cản cũng
không kịp báo cho U vương biết. Thân hậu xong vào bắt gặp một cảnh tượng: U
vương cầm chén rượu ngả nghiêng nói cười, còn Bao Tự chỉ có chiếc áo mỏng che
thân, ngồi trong lòng nhà vua uốn éo, lả lơi. Vì trước mặt đế vương không được
mạo phạm nên bà chỉ nghiến răng trợn mắt chỉ Bao Tự, quát lớn: “Tiện tì kia, giữa
ban ngày ban mặt sao dám làm loạn phép nước, mê hoặc quân vương”. U vương qua
phút bất ngờ, vội khoác hoàng bào tử tế rồi che chắn đỡ lời cho Bao Tự, nhận hết
tội về mình. Thân hậu dù tức giận nhưng vẫn không dám mạo phạm U vương nên uất ức
nhỏ hai dòng lệ rồi bỏ đi. Bao Tự giả vờ sợ hãi trước mặt U vương. U vương hết
sức an ủi và truyền đàn ca múa hát cùng nhau vui vẻ như chẳng có chuyện gì xảy
ra.
Bao
Tự biết mình nắm chắc được lòng yêu mến của U vương nên nhất quyết không thèm đến
thỉnh an Thân hậu. Trong khi đó Thân hậu suy nghĩ chín chắn, thấy rằng dù sao
trong cung cấm cũng có hàng ngàn phi tần cung nữ, sao có thể vì một đứa con gái
mà làm lớn chuyện. Nếu Bao Tự chịu đến thỉnh an, thì mình được coi là người cai
quản tam cung lục viện, nếu làm lớn chuyện mà Bao Tự vẫn không đến thì còn thể
thống gì nữa. Vì vậy Thân hậu hơi nguôi ngoai, chờ đợi Bao Tự tới thỉnh an, để
dùng chức phận làm bẽ mặt đối phương một trận.
Chẳng
ngờ gần nửa tháng vẫn không thấy tăm hơi Bao Tự, trong lòng nửa muốn làm cho ra
lẽ nửa lại sợ mất lòng U vương. Vì thế Thân hậu cảm thấy không vui biếng ăn
chán uống. Một hôm, Thái tử Nghi Cữu đến vấn an, nhìn thấy nét mặt buồn rầu của
mẹ liền hỏi ngay. Tâm sự u uất bấy lâu nay có chỗ phát tiết, Thân hậu liền đem
chuyện Bao Tự kể lại cho Nghi Cữu nghe. Thái tử một lòng tôn kính mẹ cảm thấy hết
sức tức tối. Với thân phận Thái tử, một ngày nào đó sẽ lên ngôi cửu ngũ chí tôn
mà để cho mẹ bị một đứa tiện tì làm nhục thì còn ra thể thống gì. Sau khi bái từ
mẹ, Nghi Cữu liền dẫn theo vài tên bộ hạ thân tín đi thẳng đến Quỳnh đài tìm phụ
hoàng phân biện giúp mẹ mấy lời. Trùng hợp hôm ấy trong triều có nhiều chính sự
nên U vương phải bàn soạn với các đại thần chưa thể về Quỳnh đài như mọi ngày.
Khi đến cửa đài, nghe văng vẳng tiếng đàn phách rộn rã vọng ra thì tức tối xong
vào nhưng bị thị vệ ngăn cản. Bao Tự bên trong nghe thấy tiếng ồn ào, nhưng
thay vì sai tì nữ ra hỏi han thì nàng lại tò mò bước ra xem thử. Vì đã được dặn
dò sẵn nên nhận ra ngay người trước mặt là Thái tử vương triều, nhưng nàng giả
vờ như không biết và hỏi lớn: “Ngươi là ai mà dám tự tiện xông vào đây làm loạn?”.
Nghe vậy, bao nhiêu kìm nén bùng nổ, Nghi Cữu xông tới định tát cho Bao Tự vài
cái, miệng mắng: “Tiện tì, ngươi quả là có mắt không tròng. Trước mặt ta mà dám
mở lời láo xược. Ta phải dạy cho ngươi một bài học”. Các tì nữ của Bao Tự thấy
vậy vội chia nhau che chở cho chủ nhân và quỳ xuống tạ tội với Thái tử.
Nghi
Cữu vốn là người điềm đạm, thế nhưng nghe bọn nô tì xưng hô là nương nương tức
ngang hàng với cả mẹ mình thì không chịu đựng nổi quát lớn. Bao Tự thấy màn kịch
đã diễn ra đúng ý mình, nếu nán lại lâu tất khó tránh khỏi hành hung nên giả vờ
khóc lóc và lẩn theo các tì nữ lui vào cung. Nghi Cữu dù rất tức giẫn nhưng biết
rằng đuổi theo vào chỗ cấm sẽ mang tội rất nặng lại thêm hành động hành hung
thì rất khỏ tránh khỏi mất đầu nên hậm hực trở về.
Thái
tử không biết đây chính là cơ hội tốt đầu tiên để Bao Tự thi hành kế hoạch làm
suy yếu nhà Chu. Nàng đợi U vương về sắp tới, lấy dầu thoa vào mắt cho đỏ mọng
lên, xổ tung đầu tóc rồi ấm ức gục xuống bàn khóc lóc. U vương thấy vậy quát hỏi
bọn thị tì. Khi nghe kể xong U vương đã nhen nhúm chút tức giận nhưng ngoài mặt
vẫn cố khuyên giải nói rằng ngày mai sẽ trách phạt Thái tử. Bao Tự rất khôn
ngoan, thấy đã đạt được bước thắng lợi đầu tiên nên không bức bách U vương nữa,
tạ từ vào trong thay đổi xiêm y, chải tóc bước ra truyền rượu thịt cùng nhà vua
yến tẩm đến tận khuya mới nghỉ.
Để
vừa lòng Bao Tự, ngay hôm sau U vương cho quan thị nội viết chiếu trách phạt
Thái tử. Nghi Cữu cũng thấy mình quá nóng nải, vốn định vào cung trần tình với
phụ hoàng nhưng chưa kịp thì chiếu chỉ đã đến, đành uất hận chịu đựng.
Trải
qua vài tháng yên ả, Bao Tự biết mình đã hoài thai với U vương thì càng quyết
tâm lợi dụng cơ hội khuynh đảo triều chính nhà Chu. Nhân lúc U vương thiết triều,
nàng giả như chán ngán, gọi mấy thị tì sang Ngự uyển ngắm hoa, thấy hoa nào đẹp
là hái luôn. Bao Tự cố ý đi đến gần Đông cung, cùng bọn thị tì cười nói náo động
cả một khoảng vườn yên tĩnh. Không ngoài dự đoán, Thái tử đang đọc sách ở thư
phòng, biết được đó là ả tiện nhân kia, thì dồn nén bấy lâu nay đùng đùng nổi dậy.Thái
tử đỏ mặt tía tai chạy ra Ngự uyển mắng chửi: “Ngự uyển là nơi thưởng ngoạn của
thiên tử và bậc mẫu nghi thiên hạ, tiện nhân kia chưa có danh phận gì lại dám
vào đây làm loạn thì thật không thể tha thứ”. Mắng xong Thái tử truyền thị vệ
xông vào bắt trói Bao Tự. Bọn thị vệ không dám trái lời Thái tử nhưng cũng
không dám xem thường Bao Tự nên giả vờ hung hăng xông lại nhưng lúng túng để
Bao Tự cùng bọn cung nữ chạy thoát. Thấy Bao Tự quần áo tả tơi, vẻ mặt hớt hãi,
Nghi Cữu cũng phần nào được thỏa mãn, không sai quân đuổi theo nữa, vui vẻ trở
về Đông cung.
Riêng
Bao Tự đã sắp đặt sẵn, không những để nguyên quần áo tả tơi mà còn ôm bụng kêu
la đau đớn ở trước mặt U vương. U vương thấy vậy hết sức kinh hoảng quay sang hỏi
bọn thị tì. Vua tức giận mặc cho các đại thần hết lời khuyên can, thẳng tay xuống
chiếu ghép Nghi Cữu vào tội ngang ngược vô lễ, vô cớ hành hung với trưởng thượng,
lấy công trả thù riêng. Với những tội danh nặng nề như vậy Nghi Cữu không những
bị đình chỉ danh phận Thái tử mà còn bị đày đến nước Thân. Các quan Thái phó,
Thiếu phó là thầy dạy cho Thái tử đều bị giáng chức về nhà làm thường dân. Trước
sự trừng phạt nghiêm khắc đó, không còn ai dám vô lễ với Bao Tự nữa. U vương
còn xuống chiếu chỉ cho Thân hầu, là ngoại tổ của Thái tử phải hết lòng dạy dỗ,
khi nào trở thành người xứng đáng mới được về triều phục chức, bằng không sẽ
làm người dân nước Thân vĩnh viễn. Nghi Cữu biết phụ vương đã quá nghe lời yêu
mị của Bao Tự nên đành gạt nước mắt uất hận ra đi, không có cả thời gian từ biệt
mẹ là Thân hậu.
Thân
hậu vô cùng uất hận nhưng thấy U vương đang lúc giận dữ, phân trần cầu xin chỉ
làm cho sự việc thêm nặng mà thôi, nên đành phải im lặng chờ cơ hội diệt trừ
Bao Tự và đưa con trai trở về nắm quyền.
Cấm
cung được bình yên tới khi Bao Tự sinh ra được con trai, đặt tên là Bá Phục. Vì
để con lên làm Thái tử, nàng kết cấu cùng Quắc Công và Doãn Cầu để nắm thóp sơ
hở của Thân hậu và Thái tử, rồi thực hiện âm mưu phế truất Thái tử.
Khi
ấy Thân hậu không hề ngờ tới, chỉ mong thấy mặt con nên nhờ mẹ của cô cung nữ
thân cận gửi thư cho Thái tử, khuyên con dâng biểu tạ tội. Tuy nhiên việc làm của
hoàng hậu bị đám tai mắt của Quắc Công và Doãn Cầu phát hiện rồi bẩm báo lại.
Cùng với Bao Tự, họ đã tương kế tụ kế xé bức thư ra thành nhiều mảnh và đốt một
nửa, chỉ để lại những mảnh giấy với câu từ mập mờ rồi đưa nó cho U vương xem.
Nhà vua rất tức giận sai mang chứng cứ cho bộ Hình theo phép mà tra xét. Nhưng
tối đó Bao Tự vẫn chưa yên tâm, nên nhân lúc cùng U vương nồng nàn chăn gối khiến
ông chấp thuận, sáng mai họp triều bàn việc phế lập Thái tử. Đồng thời, lén cho
thân tín báo với 2 tên gian thần đến phủ các đại thần khác dụ dỗ hoặc ép buộc để
có sự ủng hộ.
Sáng
hôm sau, khi U vương kể lại sự việc Thân hậu viết mật thư cho Thái tử, tỏ ý muốn
phế bỏ Nghi Cữu lập Bá Phục lên ngôi, ban thưởng danh phận hoàng hậu cho Bao Tự,
thì chẳng ai phản đối hay ý kiến. Thấy vậy Quắc Công và Doãn Cầu liền lợi dụng
chuyện nữ họa trước đây để phế bỏ hoàng hậu nhưng vẫn giữ lại ngôi vị thái tử của
Nghi Cửu. Bởi vì Bao Tự biết rằng Nghi Cửu còn non trẻ không có quyền lực trong
tay, nếu Thân hậu mất ngôi thì cái cái danh Thái tử chỉ là hư danh mà thôi, có
thể từ từ tính đến việc phế truất mà không làm nước nhà náo loạn. U vương nghe
thế thì đồng ý ngay. Từ đó Bao Tự chính thức trở thành Hoàng hậu của U vương, đứng
đầu tam cung lục viện, tiếp tục thực hiện kế hoạch làm suy thoái nhà Chu.
Sau
khi Thân hậu bị đưa vào lãnh cung hối lỗi và thái tử Nghi Cữu bị phế xuống làm
dân thường suốt đời ở nước Thân thì Bá Phục hiển nhiên lên ngôi thái tử. Ngôi vị
hoàng hậu của Bao Tự cũng ngày càng vững chắc. Nhưng từ khi vào cung hơn 7 năm
trời, Bao Tự chỉ có một lần nở nụ cười: đó là ngày lễ đăng quang của Thái tử Bá
Phục. U vương lần đầu tiên được thưởng thức nụ cười ấy, ngày đêm không quên được.
Dù đã tìm đủ mọi cách chiều chuộng nhưng vẫn không thể khiến nàng nở nụ cười thứ
hai. Không còn cách nào khác, U vương ra chiếu chỉ: Bất cứ người nào trong
thiên hạ làm cho nàng cười thì dù có tốn ngàn vàng cũng sẽ không tiếc rẻ. Vốn
tính tham lam nên Doãn Cầu đã nghĩ ra một trò vui mới lạ vội tâu với U vương. Từ
đời tiên vương đã cho dựng một Phong Hỏa đài ở Ly Sơn để đề phòng Khuyển Nhung
xâm phạm. Nơi đó cách Cảo Kinh không xa. Nếu vua đưa Bao hoàng hậu đến Phong Hỏa
đài uống rượu cho đốt lửa gọi các chư hầu đến cứu giá. Mặt mũi quân tướng khi
biết mình bị lừa sẽ rất buồn cười rất có thể khiến Bao hoàng hậu nở nụ cười. U
vương vì ham muốn chiêm ngưỡng nụ cười của nàng nên không còn nghĩ gì đến cái hại
sâu xa của việc lừa dối các chư hầu làm trò mua vui, nên lập tức thi hành.
Ngày
hôm sau, Bao Tự được mời đến Ly Sơn dự tiệc, đẫn theo hàng trăm cung nữ múa hát
dưới ánh đèn rực rỡ như đêm hội hoa đăng. Dù hết sức tán thưởng nhưng nàng vẫn
không mở một nụ cười. Khi màn đêm hạ xuống, U vương truyền lệnh cho quân sĩ nổi
lửa đánh trống rầm trời. Ánh lửa của mấy chục đài chiếu sáng cả một vùng biên
giới, khói đen cuồn cuộn bốc lên cao. Dù được quan tư đồ khuyên can rằng, Phong
Hỏa đài là nơi trọng yếu, nếu không có quân địch xâm phạm mà tự tiện đốt lửa
đánh trống thì chỉ làm các chư hầu mệt nhọc kéo quân đi rồi lại kéo quân về. Nếu
mai này có quân địch thật thì Phong Hỏa đài sẽ mất hiệu nghiệm, nguy hiểm tới
quốc gia. U vương tức giận quát mắng cho rằng ngày trước tiên đế vốn dùng nhân
nghĩa không phát triển binh lực nên cần đến các chư hầu cứu giá. Nhưng nay quân
tướng nhà Chu hùng hậu, dù Khuyển Nhung có xâm phạm cũng chẳng cần đến Phong Hỏa
đài. U vương không quan tâm đến oai đức của bậc thiên tử, không lo sợ các chư hầu
sẽ ngầm giúp Khuyển Nhung, vẫn tiến hành đốt lửa nổi trống để mua vui, đổi lấy
nụ cười của mĩ nhân.
Quả
nhiên, các chư hầu thấy một loạt Phong Hỏa đài cháy sáng rực trời, thì vội vã
điểm quân tướng cấp tốc vượt đường dài đến Phong Hỏa đài chờ lệnh. Chưa đến nửa
đêm, dưới đài đã có hàng vạn quân mã, giáp mũ sáng ngời. Tất cả ngước lên đài
cao, ngơ ngác nhìn đèn nến, mỹ nữ giai nhân áo quần lộng lẫy múa hát véo von
như trong tiên cảnh. Còn U vương cầm chén lớn, mặt rồng hớn hở, ôm ấp tấm thân
yêu kiều của Bao Tự vào lòng. Quân binh chẳng hiểu mình đang mơ hay đang tỉnh.
U vương sai nội thị ra trước đài truyền lệnh: “Thiên tử ban lệnh cho các ngươi
trở về. Chỉ vì Bao hoàng hậu lỡ tay châm lửa mà thôi. Hiện nay thiên hạ thái
bình, làm gì có giặc xâm phạm. Tất cả khó nhọc đường xa đều được thiên tử ban
thưởng; hãy bái tạ rồi lui khỏi cấm địa đừng làm mất cuộc vui của bậc chí tôn”.
Quân
tướng chư hầu ai cũng hiểu ngay mình đã bị lừa, làm con rối cho U vương và Bao
tự vui chơi chứ làm sao có liệc lỡ tay châm lửa ở nơi trọng yếu bậc nhất này. Ai
cũng căm tức nhục nhã hạ cờ dẹp trống, thất thểu kéo nhau về nước. Cảnh tượng
trái ngược hoàn toàn giữa lúc đến và lúc đi, người người ngơ ngác khiến Bao Tự
bật cười khúc khích. U vương ngẩn ngơ nhìn ngắm nụ cười ấy, lòng không khỏi bồi
hồi xúc động. Ngay hôm sau, xuất ngân khố ban thưởng cho Doãn Cầu một ngàn lượng
vàng mà không hề biết tai họa đang đến với mình.
Sau
nhiều năm toan tính,Thân hầu tận dụng thời cơ này liên kết với Khuyển Nhung bí
mật điều động hơn 3 vạn quân binh đến sát biên giới, chỉ chờ hiệu lệnh là tấn
công. Thân hầu phó ước với Khuyển Nhung là sẽ tôn Nghi Cữu lên ngôi thiên tử,
giải cứu cho Thân hậu, còn lại Khuyển Nhung có toàn quyền vơ vét bao nhiêu của
cải tùy ý trước khi rút quân về. Vì 2 bên đều có mục đích riêng tư nên khí thế
rất mạnh mẽ, chỉ trong một ngày đã vượt qua biên giới thẳng đường đến Cảo Kinh.
Bọn gian thần của U vương hoàn toàn bất ngờ xanh mặt kéo về triều tâu báo, xin
vua nổi lửa Phong hỏa đài để các chư hầu mang quân đến chi viện. U vương không
hề lo lắng, bình thản sai người ra Phong Hỏa đài nổi lửa đánh trống. Hơn hai chục
Phong Hỏa đài đồng loạt bốc lửa lên tận mây xanh, tiếng trống vang động cả kinh
thành. Thế nhưng quân giặc tiến vào như vũ bão, chẳng mấy chốc đã bao vây Cảo
Kinh vòng trong vòng ngoài mà quân tướng chư hầu không hề xuất hiện. Lúc đó U
vương mới bắt đầu lo sợ, truyền lện tập họp binh tướng mở cửa thành giao chiến.
Chẳng
ngờ quân sĩ đã từ lâu không được luyện tập kiếm cung, cùng với đói khát nên mất
hết tinh thần chiến đấu, chỉ giao tranh một trận đã đại bại. Quân nước Thân và
Khuyển Nhung thừa thế chiếm cứ cửa thành, ồ ạt tiến vào. U vương cả sợ, không
còn lòng dạ nào chống cự nữa sai hộ giá cùng Bao Tự và Bá Phục chạy ra Ly Sơn. Bây
giờ chỉ còn mỗi cách huy động quân sĩ đốt các hỏa đài lên, nếu chư hầu đến kịp
thì mới hy vọng đánh đuổi được bọn Khuyển Nhung. Tiếc thay, các chư hầu tuy thấy
Ly Sơn hầu như chìm trong khói lửa nhưng vẫn tưởng U vương lại bày trò mua vui
nên cùng nhau án binh bất động.
Rất
nhanh quân Khuyển Nhung đã mau chóng đuổi kịp đến Ly Sơn, vây chặt dưới chân
đài. Doãn Cầu không còn hồn vía nào nữa bỏ mặc U vương, cải trang thành tên
quân lén trốn ra ngã sau, nhưng cuối cùng không giữ được tính mạng, chết nhục
nhã trong đám loạn quân đang tháo chạy. Quân Khuyển Nhung gặp ai chém nấy,
không phân biệt quan tướng hay thường dân. Bọn chúng quá say máu, dù có thể bắt
sống U vương dễ dàng nhưng vẫn tàn bạo chém chết cả nhà vua và Thái tử Bá Phục.
Riêng Bao Tự bị chúa Khuyển Nhung mang về làm của riêng. Đồng thời tìm kiếm nơi
cất giấu vàng ngọc trong cung điện nhà Chu. Thân hầu vì mải lo việc giải cứu
Thân hậu nên khi đưa quân đến Ly Sơn thì U vương đã chết, đành ngậm ngùi sai
người làm lễ an táng chu đáo.
Theo
giao ước, Khuyển Nhung lấy hết châu báu vàng ngọc, chở về nước hàng chục xe mà
vẫn chưa ngớt. Dù đã giành chiến thắng nhưng vẫn chém giết người dân vô tội, cướp
bóc chẳng nương tay khiến ai ai cũng oán hận, mắng nhiếc Thân hầu không tiếc lời.
Thân hầu nhiều lần đến quân doanh của Khuyển Nhung hỏi tin tức bao giờ rút quân
về nhưng bọn chúng chỉ ỡm ờ, thậm chí có tên còn nói thẳng là muốn chiếm cả
Trung Nguyên. Thân hầu vô cùng tức giận, nên một lần nữa bí mật tính toán kế hoạch
diệt trừ. Ông đã cho người lén sang các nước lận cận là Tấn, Tần, Vệ, Trịnh cầu
viện, hẹn ngày mở cửa thành tiếp ứng. Một phần vì Khuyển Nhung đang đắc chí
không đề phòng, một phần vì có Thân hầu làm nội ứng nên mấy tháng sau, liên
quân bốn nước đã chiếm được Cảo Kinh. Chúa Khuyển Nhung không còn lòng dạ nào nữa,
kéo tàn quân chạy trốn như đàn chuột gặp lửa hồng, đến nỗi quên cả mỹ nhân. Bao
Tự vừa mất con vừa tủi nhục, tự thắt cổ chết chứ không còn mặt mũi nào trở về
nước Bao được nữa.
Về
phần các chư hầu đánh tan Khuyển Nhung, cùng Thân hầu tôn phò Nghi Cữu lên ngôi
thiên tử, hiệu là Chu Bình vương, đó là năm 770 trước Công nguyên. Bình vương
lên ngôi xong ban thưởng cho bốn nước trọng hầu, truyền truy phong cho Thân hầu
nhưng ông xin nhận tội đã để Khuyển Nhung tàn phá Cảo Kinh nên từ chối. Cảo
Kinh mấy đời nay là đất văn vật, nhà cửa trù phú, trải qua thời gian dưới sự cướp
bóc thẳng tay của Khuyển Nhung đã điêu tàn không sao hồi phục lại được. Chu
Bình vương nhìn thấy bao nỗi tang thương, nhìn lại cảnh cũ càng thêm đau lòng
nên cùng quần thần bàn nghị, quyết định dời đô về Lạc Dương, bỏ hoang phần đất
phía Tây. Từ đó Tây Chu diệt vong, mở đầu một chương lịch sử mới với nhà Đông
Chu.
Nhận xét
Đăng nhận xét