Chuyển đến nội dung chính

TRUYỀN THUYẾT VỀ HOA BỈ NGẠN - NGÀN NĂM LUÔN MANG NỖI U SẦU

 

Truyền thuyết Hoa Bỉ Ngạn


Truyền thuyết kể rằng bỉ ngạn là loài hoa duy nhất mọc dưới đường xuống hoàng tuyền, khi linh hồn trước khi đi qua cầu Nại Hà bắc ngang bờ Vong xuyên, sẽ gửi toàn bộ ký ức của mình cho hoa bỉ ngạn. Dù là đau khổ tột cùng hay yêu thương thắm thiết bỉ ngạn đều thu nhận những hồi ức đó. Chính vì vậy mà hoa bỉ ngạn có ý nghĩa là hồi ức đau thương, phân ly, khổ đau và là vẻ đẹp của cái chết.

Ý nghĩa hoa bỉ ngạn

Nhắc đến hoa bỉ ngạn là nhắc đến niềm đau thương, sự chia ly và tuyệt vọng. Nguyên nhân là do bỉ ngạn thường nở vào xuân phân. Theo lời dạy của Phật thì đây là thời gian 7 ngày của mùa thu, người sống có thể đi vào thế giới của người chết để gặp gỡ ông bà tổ tiên.

Bỉ ngạn cũng mang một ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Theo truyền thuyết, xưa kia, mỗi lần hoa bỉ ngạn nở chính là dịp những người sống đi vào được thế giới của người chết, nơi họ có thể gặp gỡ ông bà, tổ tiên. Vì vậy mà ở Nhật, mỗi khi bỉ ngạn nở là họ đi viếng mộ, sửa sang mồ mả cho những người đã khuất.

Bỉ Ngạn màu trắng gọi là Mạn Đà La Hoa, Bỉ Ngạn màu đỏ gọi là Mạn Châu Sa Hoa. Một khi cây ra hoa thì lá sẽ không phát triển nữa, có lá thì lại không có hoa nên hoa và lá cây bỉ ngạn muôn đời không bao giờ được gặp nhau. Bởi vậy, hoa mới có tên gọi là “bỉ ngạn” (hoa - bờ kia), gợi ra khoảng cách với “thử ngạn” (lá - bờ này).

Củ của hoa bỉ ngạn rất độc. Truyền thuyết kể lại rằng, có một người vì đói quá đã ăn củ hoa bỉ ngạn và qua đời ngay sau đó. Đây cũng là lý do người ta tin rằng hoa bỉ ngạn là cửa ngõ đi vào thế giới của những người đã chết, là nơi chú ngụ của những linh hồn lưu lạc.



Truyền thuyết thứ 1

Ngày xưa, Mạn Châu và Sa Hoa vốn là một đôi, song lại không thể gặp gỡ và yêu nhau do luật trời đã định. Vì quá thương nhớ đối phương nên cả hai đã trái luật trời, tìm về bên nhau và thề nguyện chẳng bao giờ lìa xa.

Nhưng vì đã phạm luật Trời, họ bị đọa xuống trần gian rồi biến thành hoa và lá của cùng một cây. Lá xanh, hoa đỏ, đẹp kiêu sa nhưng chất chứa nỗi buồn. Có điều, loài hoa này rất đặc biệt, có hoa thì không thấy lá, mà có lá lại chẳng thể thấy hoa, giữa hoa và lá, cuối cùng cũng không thể gặp mặt.

Một ngày, Đức Phật đi ngang qua, thấy trên mặt đất có một loài hoa đỏ rực như lửa, vừa nhung nhớ lại vừa u sầu. Phật vừa liếc nhìn đã thấu tỏ được huyền cơ trong đó.

“Bỉ Ngạn hoa, khai nhất thiên niên, lạc nhất thiên niên, hoa diệp vĩnh bất tương kiến. Tình bất vi nhân quả, duyên chú định sinh tử” – Bỉ Ngạn hoa, một nghìn năm nở, một nghìn năm tàn, hoa và lá vĩnh viễn không thể gặp nhau. Tình không vì nhân quả, duyên đã định tử sinh.

Đức Phật xót thương, bèn quyết định mang hoa về miền Cực Lạc. Nhưng vì Cực Lạc là Phật quốc, là thế giới thanh tịnh và thuần khiết, nên tất cả những gì là ‘tình si’, ‘nhung nhớ’, ‘u sầu’, ‘đau khổ’… đều không được phép tiến nhập vào miền tịnh thổ. Những thứ xúc cảm con người ấy đều phải rời khỏi hoa, kết thành một màu đỏ rực lửa rồi rơi xuống sông Vong Xuyên.

Bởi vậy, khi về đến Cực Lạc, đóa hoa trong tay Phật đã biến thành một màu trắng tinh khiết không còn nhuốm bụi trần. Đức Phật bèn gọi nó là Mạn Đà La hoa, hoa của cõi Phật, cũng chính là một loại hoa Bỉ Ngạn.

Lúc này, Bồ Tát Địa Tạng đã biết rằng nghiệp duyên của hoa Mạn Đà La hiện đang nằm dưới sông Vong Xuyên. Ngài bèn đến bên bờ sông, ném xuống một hạt giống, chỉ trong chốc lát một đóa hoa đỏ tươi bay ra khỏi mặt nước. Bồ Tát đón lấy hoa và nói:

“Ngươi đã thoát thân trở về miền Cực Lạc, sao còn đem nỗi hận tình si để lại nơi khổ ải vô biên này chứ? Vậy thì, ngươi hãy ở đây làm sứ giả tiếp dẫn các linh hồn đi về phía luân hồi. Cực Lạc đã có Mạn Đà La hoa rồi (Mandarava), vậy ta sẽ gọi ngươi là Mạn Châu Sa hoa vậy (Manjusaka)”.

Từ đó, hoa bỉ ngạn có 2 màu sắc chính, một là hoa trắng tinh khiết tượng trưng cho sự vô dục vô cầu, vô bi vô khổ. Màu còn lại là đóa hoa đỏ rực gợi nhớ sự chia ly, u buồn.

Truyền thuyết thứ 2

Ngoài câu chyện trên, còn có một truyền thuyết khác về hoa bỉ ngạn.

Ở cõi Thiên giới có nàng công chúa Châu Nhi, cô và Hoa tướng quân đem lòng yêu nhau say đắm. Hai người đã định xin Thiên đế ban hôn, ai ngờ đúng lúc ở góc trời có yêu ma quấy nhiễu, chàng phải cầm binh đi chinh chiến. Lúc trở về chàng mới biết Thiên để đã gả công chúa cho Tiên tôn để kết tình hữu nghị, Hoa vào cung cầu gặp Thiên đế giải bày sự việc nhưng Người hạ lệnh giam chàng vào thiên lao. Châu Nhi trốn vào thăm tình quân và họ cùng bàn tính kế hoạch bỏ trốn. Hoa vốn là dòng Thiên tướng pháp lực cao cường, chẳng mấy chốc đã chạy khỏi thiên đình. Thiên để biết được liền sai thiên binh thần tướng đuổi theo. Cả hai bị binh mã bao vây, giữa trùng vây thập diện mai phục, tiến thoái lưỡng nan, chàng đành ôm lấy nàng, hóa phép biến cả hai thành một loài hoa. Thiên binh thiên tướng không còn biết cách nào để mang họ về, đành đem tâu với Thiên đế và gọi loại hoa này là Mạn Châu Sa. Thiên đế không chấp nhận để yên, ông muốn Hoa và Châu Nhi phải vĩnh viễn phân ly nên đã ban chú: "Mạn Châu Sa Hoa, ngàn năm hoa nở, ngàn năm hoa tàn, lá ngàn năm sinh, lá ngàn năm úa. Hoa và lá dù ở trên một cây vẫn là mãi mãi không gặp nhau". Vốn dĩ chàng muốn là tán lá mạnh mẽ, mãi ấp ôm, yêu thương và bảo vệ cho những cánh hoa mỏng manh kia, nhưng giờ phải ngàn năm ly biệt.

Thời gian cứ thế trôi qua…. Cả ngàn vạn năm sau, lời trớ chú cũng trở nên yếu ớt. Đến một ngày thì hoa và lá cùng nhau bung nở. Thế nhưng đến lời chú cũng bị thời gian bào mòn, vậy mà lòng hẹp hòi của Thiên đế vẫn không thay đổi. Thiên để biết được, sai thiên binh thiên tướng mang hoa về trời. Hoa và là cùng bung nở nên đã khôi phục thần lực, Man Châu Sa tìm đường trốn nhưng chân trời góc bể chẳng biết trốn đâu, cuối cùng đánh tìm nơi đối nghịch với Thiên giới là Địa ngục mà trú thân.

Thiên binh thiên tướng ráo riết đuổi xuống Địa ngục, chúng sinh ở Ma vực chẳng ưa thái độ cao ngạo của họ và lại cảm thông cho mối tình ngàn năm của Mạn Châu Sa nên đã bênh vực, cuối cùng không ngờ xảy ra một trận Thần Ma đại chiến vô cùng khốc liệt. Tướng sĩ hai bên vong mạng vô số, máu của họ chảy vào gốc cây Mạn Châu Sa và được hấp thụ, hoa từ màu trắng tinh khiết cũng biến thành sắc đỏ yêu dị. Đột nhiên, từ trong bông hoa phóng ra một luồng huyết quang chấn động, làm kinh thiên động địa, quỷ khóc thần sầu, vầng sáng ấy khiến cho binh tướng hai bên đều tan biến. Chính vì sự chấn động này mà Thiên đế, Tiên tôn, Ma vương, Quỷ vương đều tụ họp xem việc gì xảy ra. Thiên đế vẫn không cam lòng, muốn mang Mạn Châu Sa về giam cầm. Nhưng tiếc thay, máu của muôn ngàn tướng sĩ chảy vào tích thành oán khí ngút trời, Mạn Châu Sa giờ đây đã vượt khỏi tam giới siêu thoát ngũ hành, không còn tuân theo quy luật sinh diệt nữa.

Vì Mạn Châu Sa Hoa tiền thế đã chịu nhiều oan ức, lại thêm oán khí chưa tan, thích hợp để dẫn độ các vong linh lầm lạc trở lại luân hồi, cho nên cuối cùng 4 người quyết định để Mạn Châu Sa Hoa ở lại dưới cõi hoàng tuyền, hầu dẫn độ vong hồn oán khí trên thế gian. Về sau, dân gian còn gọi đó là hoa Bỉ Ngạn.

 

 

 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NHÓM MÁU BOMBAY QUÝ HIẾM NHẤT THẾ GIỚI, CHỈ CHIẾM 0.0004% DÂN SỐ

AI ĐÃ XÂY KIM TỬ THÁP

TOP 10: ĐỘNG VẬT NGUY HIỂM NHẤT THẾ GIỚI ĐỐI VỚI CON NGƯỜI