Chuyển đến nội dung chính

TRUYỀN THUYẾT VỀ SÁT SINH THẠCH - TẢNG ĐÁ PHONG ẤN CỬU VĨ HỒ Ở NHẬT BẢN

 

Truyền thuyết Cửu vĩ hồ & Sát sinh thạch


Từ lâu, những câu chuyện thần thoại của Nhật Bản về hồ ly tinh, hay cửu vĩ hồ, đã không còn xa lạ với nhiều người. Trong văn hóa hiện đại thì những sinh vật siêu nhiên này lại càng được ưa chuộng.

Ít ai biết rằng, tại Nhật Bản có một hòn đá đặc biệt gắn liền với truyền thuyết hồ ly. Đó là "sát sinh thạch" hay Sesshoseki, nằm ở tình Tochigi, Nhật Bản. Tương truyền rằng sát sinh thạch là hòn đá phong ấn cửu vĩ yêu hồ (hồ ly tinh 9 đuôi hay gọi là cáo 9 đuôi). Theo người dân địa phương, đây là một "hòn đá chết chóc", không ai được phép chạm vào. Do phải phong ấn Cửu Vĩ Hồ nên tảng đá liên tục tỏa ra độc khí có thể gây hại cho người và động vật. Tất cả những ai phớt lờ điều cấm kỵ này sẽ phải bỏ mạng, thậm chí là động vật vô tình chạm vào tảng đá cũng có thể chết.


Truyền thuyết về cửu vĩ hồ và sát sinh thạch

Nhắc tới cáo 9 đuôi, nhiều người có thể nghĩ ngay tới cửu vĩ hồ trong ‘Phong Thần diễn nghĩa’. Và con cáo 9 đuôi Tamamo no Mae tại Nhật Bản này cũng chính là con hồ yêu đã chiếm hữu thân thể của Tô Đát Kỷ, dùng mê hồn pháp mê hoặc Trụ vương, lợi dụng Trụ vương để làm rất nhiều việc xấu.

Tương truyền sau khi nhà Thương sụp đổ, cửu vĩ hồ bám trên thân Đát Kỷ đã bị Khương Tử Nha giết chết. Nhưng vì cửu vĩ hồ có 9 cái đuôi, mỗi đuôi lại đại diện cho một mạng sống, nên giết nó một lần thì không thể giết nó chết hẳn được. Mặc dù đã trốn thoát, nhưng việc mất đi một mạng khiến nguyên khí của nó bị tổn thương nặng nề.

Trùng hợp tại Ấn Độ cũng có truyền thuyết kể rằng, sau khi Chandragupta sáng lập vương triều Maurya, bởi vì ông tín phụng Phật giáo, cả đời hành thiện tích đức, không sát sinh nên sau khi qua đời đã hoá thành 3 viên xá lợi, bên trong lưu trữ pháp lực lớn mạnh vô cùng. Cửu vĩ hồ biết được sự việc này, bèn tới Ấn Độ, mong muốn chiếm được 3 viên xá lợi.

Đương thời, con trai của Chandragupta là Bindusara đang nắm quyền. Vậy là con hồ yêu lại lắc mình biến thành một cô gái kiều diễm, tìm cách tiếp cận và thành công trở thành phi tử của vua Bindusara. Nó định dùng thủ đoạn như trước đây với nhà Thương, dần dần từng bước khiến vương triều Maurya bị phá huỷ, thừa cơ lúc loạn lạc mà trộm xá lợi.

Dưới sự hoạ loạn của người phi tử này, vương triều Maurya đã bị khuynh đảo, phá vỡ tan nát. Thái tử Ashoka, con trai của hoàng hậu Dharma, đã nhìn thấy rõ thân phận của con hồ yêu, và đuổi nó ra khỏi cung điện.

Lúc này đúng vào thời nhà Hán của Trung Quốc, một tăng nhân Ấn Độ mang theo 1 trong 3 viên xá lợi quan trọng nhất tới Trung Quốc truyền giáo. Cửu vĩ hồ đã lén lút đi theo người tăng nhân này quay trở về Trung Quốc. Không lâu sau khi yêu hồ quay về, các trận tranh chấp nổi lên khắp nơi, cửu vĩ hồ và xá lợi lúc này đồng thời biến mất.

Khi viên xá lợi này xuất hiện trở lại, là vào triều nhà Đường. Bởi vì Huyền Trang đi Tây Thiên thỉnh kinh, Phật giáo Ấn Độ bèn dâng tặng Huyền Trang 1 trong 3 viên xá lợi. Vậy nên đại Đường đã có 2 viên xá lợi. Đây quả thực là một cơ hội tốt mà con hồ yêu không thể bỏ qua.

Nhưng không đợi tới khi nó ra tay thì Nhật Bản đã phái sứ giả tới Trung Quốc giao lưu văn hoá, thỉnh cầu cao tăng Giám Chân tới Nhật Bản truyền thụ Phật Pháp. Hoàng đế Đại Đường liền ban cho Giám Chân 1 viên xá lợi mang tới Nhật Bản. Cửu vĩ hồ lại đi về phía đông để tới Nhật. Đúng lúc này vào thời kỳ Heian ở Nhật Bản. Thời đó, các tăng lữ quý tộc có địa vị rất cao trong xã hội Nhật. Khi viên xá lợi tới Nhật, nó đã được đưa vào đền và bảo vệ cẩn thận.

Trên đường đi tới ngôi đền, cửu vĩ hồ biến thành một bé gái. Đôi vợ chồng võ sĩ tới đền cầu xin có con, nhìn thấy bé gái, đã đem về nuôi dưỡng. Bé gái càng lớn càng xinh đẹp, diễm lệ lạ thường, tài năng xuất chúng, tinh thông cầm kỳ thi hoạ, được mệnh danh là thiên hạ đệ nhất mỹ nữ. Trong một thời gian, cô gái đã nổi danh khắp cả kinh đô.

Chẳng bao lâu chuyện gia đình một võ sĩ có cô con gái xinh đẹp đã đến tai Thiên Hoàng Toba. Thiên Hoàng vô cùng ngưỡng mộ sắc đẹp của cô gái, đã nhận cô vào cung và ban cho cái tên Tamamo Mae. Vậy là con hồ yêu diễn lại chiêu trò cũ, tiếp tục mê hoặc Thiên hoàng Toba. Không lâu sau Thiên hoàng mắc bệnh lạ.

Thời đó tại Nhật Bản có Abe no Seimei là một vị âm dương sư rất nổi tiếng. Ông được triệu kiến vào cung để chẩn đoán bệnh cho Thiên hoàng. Ông phát hiện ra Tamamo – cô gái luôn bên cạnh Thiên hoàng Toba, chính là một con hồ yêu 9 đuôi và hiểu ra ngay căn nguyên bệnh của Thiên hoàng. Pháp sư cho xây dựng một bàn thờ, cố đưa Tamamo đến để cầu nguyện. Tất nhiên, ả không dám đến và vô tình lạc đến một ngôi đền. Tại đây, Tamamo biến thành một con cửu vĩ hồ lông vàng với khuôn mặt trắng. Hồ ly thấy thân phận đã bị bại lộ, chỉ còn cách bỏ chạy. Bệnh của Thiên hoàng từ đó cũng dần cải thiện.

Thiên hoàng Toba khi biết mình suýt chút nữa bị con hồ ly hại chết đã vô cùng tức giận, hạ lệnh cho người truy bắt nó. Ông phái một nhóm đông các cao tăng đắc đạo, và âm dương sư phối hợp với nhau, đi hàng phục cửu vĩ hồ.

Ở Nhật, vì hồ yêu Tamamo có sức chiến đấu siêu thường nên được xếp vào một trong 3 yêu quái lớn. Trận chiến này vô cùng kịch liệt, trời đất mịt mù, tương truyền, một nửa Nhật Bản đã bị phá huỷ trong cuộc chiến này.

Cuối cùng Abe và các tăng nhân, âm dương sư khác phải liên thủ, phong ấn con hồ ly vào trong một tảng đá. Nhưng con hồ ly này vẫn không chịu từ bỏ. Dù cho bị phong ấn nhốt vào trong tảng đá, nó vẫn không ngừng phát ra khí độc, sát hại tất cả những ai tới gần. Người dân quanh đó rất sợ tảng đá này và gọi nó là sát sinh thạch.

Từng là Thần thú mang điềm lành thời thượng cổ

Con hồ ly trong câu chuyện trên có ma tính cực đại, làm họa loạn nhân gian. Nhưng thực ra cửu vĩ hồ từng là Thần thú thời thượng cổ. Trong cuốn ‘Bạch hổ thông nghĩa’ có ghi chép về việc lấy cáo làm điềm báo ‘tử tôn phồn tức’ (con cháu phồn vinh).

‘Hiếu Kinh’ của Khổng Tử cũng viết ‘đức chí điểu thú, tắc hồ cửu vĩ’, nghĩa là cửu vĩ hồ là loài chim thú nhân đức nhất. Hay trong ‘Bạch hổ thông đức luận’ có nói ‘đức chí điểu thú tắc phượng hoàng tường, loan điểu vũ, kỳ lân trăn, bạch hổ đáo, hồ cửu vĩ, bạch trĩ hàng, bạch lộc kiến, bạch điểu hạ’. Từ đó có thể thấy cửu vĩ hồ cùng kỳ lân, phượng hoàng, hổ trắng, nai trắng… đều là những con thú mang điềm lành của Tiên giới. (tách chỗ này, r tăng tốc chỗ đậm này dùm t)

Chẳng qua trong ‘Phong Thần diễn nghĩa’, cửu vĩ hồ được Nữ Oa phái đi làm họa loạn Trụ vương. Nó vì cái lợi trước mắt, chiếm lấy thân thể Tô Đát Kỷ, dùng mê hồn pháp khống chế Trụ vương, lợi dụng Trụ vương làm nhiều việc xấu nên dần dần, cửu vĩ hồ từ con thú mang điềm lành, biến thành hồ ly tinh chuyên mê hoặc lòng người.

Trong văn học Nhật Bản, câu chuyện cửu vĩ hồ Tamamo Mae đã được tái tạo và phát triển nhiều lần, dần tạo ra sự liên kết với Đát Kỷ của Trung Quốc và vương phi của vua Bindusara tại Ấn Độ và các hồ ly tinh khác trong truyền thuyết… Từ đó tới nay, nói tới cửu vĩ hồ, là người ta chỉ nghĩ tới yêu ma làm loạn nhân gian.

Sát sinh thạch vỡ đôi

Dù cho bị phong ấn nhốt vào trong sát sinh thạch, nó vẫn không ngừng phát ra khí độc, sát hại tất cả những ai tới gần. Họ đã nhiều lần thỉnh mời các cao tăng tới trấn hồn, nhưng đều không được. Mãi đến 200 năm sau, cao tăng Gennou mới thanh tẩy được oán khí này, tuy nhiên lại làm sát sinh thạch vỡ làm nhiều khối, văng đi khắp nơi ở Nhật Bản.

Gần đây, một cư dân mạng Nhật Bản đăng trên Twitter về chuyến đi thăm quan sát sinh thạch của mình ở tỉnh Tochigi. Không ngờ rằng, tảng đá này đã vỡ làm đôi. Sợi dây thừng buộc quanh tảng đá với ý nghĩa xua đuổi tà ma cũng bị đứt. Do truyền thuyết gắn liền với tảng đá, mà nhiều cư dân mạng nói đùa với nhau rằng Cửu Vĩ Hồ bị phong ấn ở đây hẳn đã thoát ra ngoài. Một số cư dân mạng cho biết, khi họ đến thăm địa điểm này vào tháng 12 năm ngoái, sát sinh thạch vẫn nguyên vẹn. Mặc dù vậy, nó đã có những vết nứt được phát hiện từ năm 2014.

Bất chấp truyền thuyết dân gian về cửu vĩ hồ rất nổi tiếng ở Nhật Bản, sau khi các chuyên gia nghiên cứu và phân tích, họ đưa ra kết luận, sát sinh thạch thực chất chỉ là một loại đá núi lửa độc hại. Tính chất nguy hiểm của nó nằm ở việc nó xuất hiện cạnh miệng núi lửa, nhiễm hydro sunfua và lưu huỳnh đioxit, các khí độc và các chất có chứa asen cao, chính vì vậy mới có hiện tượng sinh vật bị bệnh hoặc chết khi tiếp xúc với nó.

Các bạn có suy nghĩ gì về việc sát sinh thạch vỡ đôi? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NHÓM MÁU BOMBAY QUÝ HIẾM NHẤT THẾ GIỚI, CHỈ CHIẾM 0.0004% DÂN SỐ

AI ĐÃ XÂY KIM TỬ THÁP

TOP 10: ĐỘNG VẬT NGUY HIỂM NHẤT THẾ GIỚI ĐỐI VỚI CON NGƯỜI