Chuyển đến nội dung chính

BỘ NÃO HỌC CÁCH ĐỌC NHƯ THẾ NÀO???

 BỘ NÃO HỌC CÁCH ĐỌC NHƯ THẾ NÀO???

Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao chúng ta có thể đọc chữ cái, có thể ghép các chữ cái lại với nhau thành một từ. Hay tại sao não của chúng ta có thể đọc được một cách vô thức, … Mời các bạn xem lời giải thích cho vấn đề này.

Bạn có thể xem dưới dạng video ở đây.

Việc đọc bằng thị giác của chúng ta không phải là bẩm sinh mà đòi hỏi hoạt động tập thể của nhiều khu vực trong não của chúng ta. Văn hóa đọc của loài người là tương đối mới. Mặc dù đã có một số người có thể đọc kể từ khi phát minh ra chữ viết vào thiên niên kỷ thứ 4 trước Công nguyên, nhưng phải đến sau Cách mạng Công nghiệp vào những năm 1800, phần lớn dân số ở nhiều quốc gia mới biết đọc. Bộ não con người không tiến hóa để có thể đọc được ngôn ngữ nói như cách nó đã làm. Để đọc, não phải học cách tái sử dụng các chức năng não đã được phát triển qua hàng ngàn năm cho các nhu cầu cơ bản khác. Stanislas Dehaene - nhà khoa học thần kinh nhận thức người Pháp, vào 2009 ông đã mô tả nó theo cách này:

“Sau quá trình tiến hóa của chúng ta, khi có nhiệm vụ nhận dạng các từ ngữ/chữ cái - mạng lưới thần kinh hiện có của não được “tái chế” để đọc. Do một thứ gọi là tính dẻo của não, trong quá trình phát triển não bộ, một loạt các mạch thần kinh có thể thích ứng với những mục đích sử dụng mới. Khi chúng ta học một kỹ năng mới như đọc sách, chúng ta tái sử dụng một số mạch thần kinh cũ.”

Vậy những phần nào của não tham gia vào việc đọc?

Không có vị trí cụ thể nào trong não mà chúng ta sử dụng để đọc. Việc đọc bao gồm nhiều tác động vào các vùng khác nhau của não. Các nhà khoa học đã sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ chức năng (FMRI) của não khi đọc, nó cho thấy các phần não được kích hoạt khi chúng ta đọc.

Khi ta đã quen thuộc với việc đọc thì chủ yếu ta sử dụng và tích hợp một số vùng não ở bên bán cầu não trái, bao gồm:

Vùng đỉnh – thái dương- The parietal-temporal region (phía sau): thực hiện công việc phân chia từng từ và nhận dạng âm thanh của nó (tức là phân tích từ, phát âm các từ).

Vùng chẩm - thái dương- The occipital-temporal region (ở phía sau): nơi não lưu trữ hình thức và ý nghĩa của từ, chữ cái (tức là nhận dạng chữ cái, tính tự động và hiểu ngôn ngữ). Điều này rất quan trọng góp phần giúp ta có thể trôi chảy và nhanh chóng xác định các từ mà không cần phải phát âm từng từ.

Vùng trán- The frontal region (ở phía trước): giúp chúng ta biết cách phát âm từng từ - nói (tức là xử lý âm thanh, lời nói khi chúng ta nghe và nói).

Mặc dù các vùng khác nhau có thể có vai trò nhất định trong quá trình đọc, nhưng nhiều phần của não vẫn luôn phối hợp với nhau. Một số nhà khoa học có quan điểm rằng “mỗi loại thông tin chính trong quá trình đọc được hỗ trợ bởi một mạng lưới các neuron thay vì tập trung vào một khu vực duy nhất và mỗi vùng não đều phản ứng và tham gia vào quá trình xử lý nhiều thông tin.

Bộ não thay đổi khi chúng ta học đọc

Bộ não của mỗi đứa trẻ đều phải thay đổi cách thức hoạt động khi trẻ học đọc. Đối với hầu hết học sinh, việc hướng dẫn và thực hành trong các lớp tiểu học là đủ để “huấn luyện” các vùng trong não học đọc. Nghiên cứu hình ảnh não đã tiết lộ những thay đổi về mặt giải phẫu và chức năng của não ở những người đọc đang phát triển khi họ học đọc. Các mô hình kích hoạt ở các vùng não sẽ khác nhau tùy thuộc vào khả năng đọc của họ.

“Ví dụ: những người đọc mới bắt đầu thể hiện nhiều hoạt động hơn ở vùng đỉnh-thái dương (phân tích từ) trong khi những người quen với việc đọc hơn thì não lại ngày càng hoạt động tích cực hơn ở vùng chẩm-thái dương (nhận dạng từ). Trải nghiệm nhiều loại ngôn ngữ ngay từ đầu đời góp phần giúp bộ não dễ tiếp thu các kỹ năng đọc hơn (các kỹ năng như nhận biết âm tiết, nghĩa từ và nhận dạng từ).

Hình ảnh não tiết lộ điều gì về những người gặp khó khăn trong việc đọc?

Kết quả quét não của những người gặp khó khăn trong việc đọc cho thấy mô hình hoạt động khác biệt đáng kể (rải rác hơn so với mô hình hoạt động của những người có khả năng đọc tốt). Con đường ngôn ngữ và nhận thức không được thiết lập hiệu quả nên việc đọc sẽ khó khăn hơn đối với trẻ mặc dù trẻ cũng đang cố gắng hết sức.

Đối với trẻ mắc chứng khó đọc, bộ não của chúng thường không phát triển theo cách giúp chúng đọc sách hiệu quả. Các nghiên cứu về hình ảnh não đã phát hiện ra rằng, đối với não của người mắc chứng khó đọc thì quá trình đọc hoạt động khác so với bình thường, trong đó thần kinh là một phần nguyên nhân gây ra chứng khó đọc.

Ở Người mắc chứng khó đọc, những vùng não mà họ yếu sẽ hoạt động kém hơn và tập trung hoạt động quá mức ở những vùng khác để bù đắp. Ví dụ, thay vì sử dụng các phần não ở bán cầu não trái (được thiết kế để xử lý ngôn ngữ), thì những người mắc chứng khó đọc sẽ sử dụng các phần khác nhau của bán cầu não phải.

Một số nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ có khả năng giải mã từ ngữ tốt thì những khu vực quan trọng dành cho việc đọc ở bán cầu não trái hoạt động hơn và ở bán cầu não phải hoạt động ít hơn so với những đứa trẻ mắc chứng khó đọc (trẻ đọc tốt thì vùng não trái hoạt động nhiều hơn còn não phải hoạt động ít hơn; trẻ khó đọc thì ngược lại- Thảo t hơi cấn cấn chỗ này).

Hơn nữa, nhiều người mắc chứng khó đọc thường ở vùng trán phía dưới của não của họ được kích hoạt nhiều hơn, có thể vì vùng trán của họ có thể bù đắp cho các vấn đề ở vùng phía sau não.

Hình ảnh trên minh họa cách não mắc chứng khó đọc được kích hoạt nhiều hơn ở vùng trán (bên ­­­­phải), trong khi não không mắc chứng khó đọc được kích hoạt ở một số phần của bán cầu não trái (bên trái).

 

Chúng ta có thể điều chỉnh lại bộ não thông qua luyện tập không? 

Tin tốt cho những người mắc chứng khó đọc là bộ não của họ sẽ tự “kết nối lại” nếu được dạy kỹ năng giải mã và nhận thức âm tiết học một cách rõ ràng. Bộ não có tính linh hoạt trong suốt cuộc đời, điều đó có nghĩa là bộ não của chúng ta có thể thay đổi để học hỏi những điều mới. Có hai biến số góp phần củng cố các con đường thần kinh cho phép học sinh trở thành những người đọc giỏi và thành công:

Một là thực hành có chủ ý. Học sinh cần thường xuyên nghe và đọc nhiều loại văn bản khác nhau.

Hai là được hướng dẫn rõ ràng. Để chuẩn bị cho việc não bộ tiếp nhận những văn bản ngày càng phức tạp mà các em sẽ gặp ở trường, hầu hết học sinh cần được hướng dẫn chuyên sâu để sớm nắm vững các kỹ năng đọc cốt lõi - như nhận thức về âm tiết, ngữ âm, khả năng đọc trôi chảy, từ vựng và hiểu văn bản.

Các nghiên cứu về hình ảnh não đã chỉ ra rằng khi người mắc chứng khó đọc được dạy đọc (và được thực hành đầy đủ để não trở nên tự động với việc giải mã), não của họ sẽ tạo ra các mạch thần kinh mới kết nối các phần xử lý ngôn ngữ của não với phần xử lý hình ảnh – giống như não của những người không mắc chứng khó đọc.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NHÓM MÁU BOMBAY QUÝ HIẾM NHẤT THẾ GIỚI, CHỈ CHIẾM 0.0004% DÂN SỐ

AI ĐÃ XÂY KIM TỬ THÁP

TOP 10: ĐỘNG VẬT NGUY HIỂM NHẤT THẾ GIỚI ĐỐI VỚI CON NGƯỜI