HỒI SINH
VIRUS ZOMBIE CỔ ĐẠI
Trái đất đang ấm lên với tốc độ nhanh chóng làm tan băng, khiến các loại virus cổ xưa bị “nhốt” trong lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực được giải phóng. Từ đó làm bùng phát một đại dịch mới. Chính vì khả năng hồi sinh sau khi đã ngủ yên hàng nghìn đến chục nghìn năm mà các loại virus này được gọi là “zombie” (tạm dịch là “xác sống”).
Vào năm 2014, một nhóm nhà khoa học do nhà di truyền học
Jean-Michel Claverie dẫn đầu đã tìm thấy 13 loại virus cổ đại bị đóng băng
trong lớp băng vĩnh cửu ở Siberia, những mẫu này được lấy từ bên dưới hồ nước,
từ lông của voi ma mút và thậm chí từ ruột của một con sói Siberia. Trong đó, mẫu
virus lâu đời nhất có niên đại lên tới 48.500 năm. Trong quá trình phân lập
virus, các nhà khoa học phát hiện có 9 loại virus vẫn có thể lây nhiễm sang các
sinh vật đơn bào, mặc dù chúng đã bị chôn vùi trong lớp băng vĩnh cửu hàng
nghìn năm. Trước đó, họ
đã tìm cách hồi sinh 2 loại virus cổ đại khác khoảng 30.000 năm tuổi. Tất cả
các loại virus được nhóm này hồi sinh đều thuộc họ pandoravirus – nhóm
virus khổng lồ chỉ lây nhiễm cho các sinh vật đơn bào như amip.
Ông Claverie cho biết: “Các loại virus mà chúng tôi
phân lập được chỉ có khả năng lây nhiễm amip (nhiễm đơn bào) và không gây nguy
hiểm cho con người. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các loại virus khác -
hiện bị đóng băng trong lớp băng vĩnh cửu - có thể không có khả năng gây bệnh ở
người. Thí dụ, chúng tôi đã xác định được dấu vết bộ gen của poxvirus và
herpesvirus, những mầm bệnh phổ biến ở người”.
Theo báo CNN cho biết, giới khoa học đã nhiều lần khuyến
cáo không thể xem nhẹ nguy cơ lây lan dịch bệnh từ quá khứ xa xôi dù khả năng
này rất thấp. Chất thải hóa học và phóng xạ từ thời Chiến tranh lạnh
(1947-1991) có khả năng gây hại cho động vật hoang dã và gây rối loạn hệ sinh
thái, cũng có thể được giải phóng khi đất đóng băng tan chảy. Có nhiều thứ đáng
ngại trong đất đóng băng vĩnh cửu, cho thấy lý do giữ gìn nhiều đất đóng băng
vĩnh cửu hết mức có thể là điều cực kỳ quan trọng.
Trong khi đó, lớp băng vĩnh cửu chiếm một phần năm diện tích bắc bán cầu, từ lâu đã hỗ trợ vùng lãnh nguyên Bắc Cực và các khu rừng phương bắc ở Alaska, Canada và Nga. Các lớp băng này hoạt động như một loại viên nang thời gian, giúp bảo quản xác ướp của một số sinh vật đã tuyệt chủng cũng như các loại virus cổ xưa. Chia sẻ với tờ Observer, ông Claverie cho biết: “Điểm quan trọng của lớp băng vĩnh cửu là lạnh, tối và thiếu oxy, điều kiện hoàn hảo để bảo quản vật liệu sinh học. Bạn có thể đặt sữa chua vào lớp băng vĩnh cửu và nó vẫn có thể ăn được sau 50.000 năm. Nhưng lớp băng vĩnh cửu của thế giới đang thay đổi. Các tầng trên của nguồn dự trữ chính của hành tinh ở Canada, Siberia và Alaska đang tan chảy do biến đổi khí hậu ảnh hưởng không cân đối đến Bắc Cực”.
Theo nghiên cứu đăng tải trên Scientific Reports, khu vực này đang ấm lên nhanh hơn nhiều lần so tốc độ gia tăng trung bình của hiện tượng Trái đất ấm lên. Trái đất đã ấm hơn 1,2oC so thời kỳ tiền công nghiệp và các nhà khoa học dự đoán Bắc Cực có thể không còn băng vào mùa hè những năm 2030. Không chỉ vậy, giới khoa học cũng cảnh báo tốc độ băng tan đang ngày một nhanh chóng. Cụ thể, khi đo lượng băng thông qua dữ liệu vệ tinh mỗi tháng, các nhà khoa học của Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của Viện Công nghệ California và Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng của Trường đại học Washington (Mỹ) đã nhận thấy, băng biển Bắc Cực mỏng đi 1,5 m trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2021. Theo các nhà khoa học, lượng băng ở biển Bắc Cực đã giảm một phần ba trong hai thập kỷ qua.
Trước việc băng ở Bắc Cực tan nhanh chóng, ông Claverie cho rằng: “Điều này cho phép tăng cường vận chuyển, giao thông và phát triển công nghiệp ở Siberia. Các hoạt động khai thác quy mô lớn đang được lên kế hoạch và sẽ tạo ra những hố lớn vào lớp băng vĩnh cửu sâu để khai thác dầu và quặng. Những hoạt động đó sẽ giải phóng một lượng lớn mầm bệnh vẫn phát triển mạnh ở đó. Thợ mỏ sẽ hít phải virus. Hậu quả có thể rất khôn lường”.
Đối mặt những nguy cơ tiềm tàng, thế giới tìm cách làm giảm tốc độ băng tan. Thời gian qua, các nhà khoa học đến từ Trường đại học Hamburg (Đức) đã khuyến nghị tăng cường những loài động vật như hươu, nai, ngựa, bò rừng, tuần lộc… lên sống ở vùng băng tuyết Bắc Cực. Tiến sĩ Christian Beer, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, cường độ dậm chân của các loài động vật trên có thể giúp nén chặt tuyết xuống mặt đất, qua đó giữ cho lớp băng vĩnh cửu ổn định, không bị tan. Không chỉ vậy, khi những loài động vật sinh sống tại đây, việc chúng di chuyển thường xuyên sẽ giúp trải đều tuyết khắp khu vực.
Ngoài ra, thế giới cũng đang tiến hành những cam kết
hành động vì khí hậu nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu. Dù vậy, giới phân
tích cho rằng, những kế hoạch vẫn cần có thời gian để biến thành “hành động”,
do đó các nước trên thế giới vẫn cần chuẩn bị cho những kịch bản xấu trước những
diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu.
Nhận xét
Đăng nhận xét